Ngày nay, cho dù là hệ thống mạng nhỏ, cỡ vừa và lớn thì mỗi máy tính đều sử dụng địa chỉ IP động được cấp phát từ dịch vụ DHCP server. Mạng nhỏ thì DHCP cấp IP động cho các máy trạm (làm việc trong môi trường Workgroup) nằm ở các thiết bị mạng (Switch, Modem, Router, AP ...). Còn các mạng lớn (mô hình mạng sẽ phức tạp hơn), các máy trạm nằm trong môi trường Domain. Khi đó các nhà quản trị mạng họ dùng ngay dịch vụ DHCP server có sẵn trên Windows Server 2003, 2008 để cấp phát IP động cho các máy trạm trong hệ thống mạng thay vì sử dụng DHCP server tích hợp sẵn trong các thiết bị mạng phần cứng. Vậy DHCP là gì? Nó có ưu điểm gì?
DHCP viết tắt của từ Dynamic Host Configuration Protocol - Giao thức cấu hình Host động. Giao thức cung cấp phương pháp thiết lập các thông số cần thiết cho hoạt động của mạng TCP/IP giúp giảm khối lượng công việc cho quản trị hệ thống mạng.
DHCP server là một máy chủ có cài đặt dịch vụ DHCP. Nó có chức năng quản lý sự cấp phát địa chỉ IP động và các dữ liệu cấu hình TCP/IP. Ngoài ra còn có nhiệm vụ trả lời khi DHCP Client có yêu cầu về hợp đồng thuê bao.
DHCP client là dịch vụ có sẵn trên các máy trạm. Nó dùng để đăng ký, cập nhật thông tin về địa chỉ IP và các bản ghi DNS cho chính máy trạm đó. DHCP client sẽ gửi yêu cầu đến DHCP server khi nó cần đến 1 địa chỉ IP và các tham số TCP/IP cần thiết để làm việc trong mạng nội bộ và trên Internet.
Ưu điểm của DHCP
Được gói gọn bằng 4 điểm sau:
1. Quản lý TCP/IP tập trung
Thay vì phải quản lý địa chỉ IP và các tham số TCP/IP khác vào một cuốn sổ nào đó (đây là việc mà quản trị mạng phải làm khi cấu hình TCP/IP bằng tay) thì DHCP server sẽ quản lý tập trung trên giao diện của nó. Giúp các nhà quản trị vừa dễ quản lý, cấu hình, khắc phục khi có lỗi xảy ra trên các máy trạm.
2. Giảm gánh nặng cho các nhà quản trị hệ thống
Thứ nhất, trước đây các nhà quản trị mạng thường phải đánh cấu hình IP bằng tay (gọi là IP tĩnh) nhưng nay nhờ có DHCP server nó sẽ cấp IP một cách tự động cho các máy trạm. Nhất là trong môi trường mạng lớn thì sự cần thiết và hữu ích của dịch vụ mạng này mới thấy rõ ràng nhất.
Thứ hai, trước đây với kiểu cấu hình bằng tay thì người dùng họ có thể thay đổi IP. Anh thì táy máy thích vọc chơi, có anh thay đổi lung tung DNS server sau đó quên không nhớ IP của DNS server là gì để đặt lại cho đúng lại ới quản trị mạng, có anh đặt IP làm trùng với IP của người khác, anh khác đặt IP trùng với Defaul Gateway ... làm cho quản trị mạng khốn khổ vì phải chạy. Nhưng kiểu này không có ở IP động đâu nhé. Anh nào thích thay đổi cũng chịu chết. Chỉ có người quản trị DHCP server họ mới có quyền thích làm gì thì làm thôi.
3. Giúp hệ thống mạng luôn được duy trì ổn định
Điều đó hiển nhiên rồi. Địa chỉ IP cấp phát động cho các máy trạm lấy từ dải IP cấu hình sẵn trên DHCP server. Các tham số (DG, DNS server ...) cũng cấp cho tất cả các máy trạm là chính xác. Sự trùng lặp IP không bao giờ xảy ra. Các máy trạm luôn luôn có một cấu hình TCP/IP chuẩn. Làm cho hệ thống hoạt động liên tục, vừa giảm gánh nặng cho người quản trị vừa tăng hiệu quả làm việc cho user nói riêng và doanh nghiệp nói chung.
4. Linh hoạt và khả năng mở rộng
Người quản trị có thể thay đổi cấu hình IP một cách dễ dàng khi cơ sở hạ tầng mạng thay đổi. Do đó làm tăng sự linh hoạt cho người quản trị mạng. Ngoài ra DHCP phù hợp từ mạng nhỏ đến mạng lớn. Nó có thể phục vụ 10 máy khách cho đến hàng ngàn máy khách.
Trong bài viết này mình chỉ điểm qua về khái niệm và ưu điểm mà DHCP mang lại cho CSHT mạng và người quản trị hệ thống. Loạt bài viết sau sẽ đi vào chi tiết: cách mà DHCP client và DHCP server làm việc với nhau, cài đặt cấu hình DHCP server ra sao ? các cách để bảo mật DHCP server ...
[Sưu tầm]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét