Một cách tìm hiểu bài Tôi yêu em
Puskin (1799 - 1837) là nhà thơ Nga thiên tài. Xuất thân gia đình quý tộc. Mê thơ và làm thơ hay từ thuở học sinh. Khát vọng tự do thấm đượm trong thơ Puskin. Tình bạn, tình yêu là cảm hứng trong nhiều bài thơ của Puskin.
Tác phẩm gồm có: Trường ca Người tù Capca. Những người Xưgan, Epghêni Ônêghin. Chết trong bi kịch đau thương lúc 38 tuổi. Gorki là “Khởi đầu của mọi khởi đầu”.
“Tôi yêu em” là bài thơ tình hay nhất, đậm đà ý vị nhất của Puskin, sáng tác năm 1829. Bài thơ đã được phổ nhạc thành ca khúc, được đánh giá là tác phẩm “hoàn hảo” nâng tầm vóc Puskin lên đài vinh quang thi ca Nga. Chỉ có tám dòng thơ mà ba tiếng “Tôi yêu em” nhưng một điệp khúc “dịu ngọt” tha thiết vang lên ba lần:
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
… Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
… Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm…”
Mối tình ấy “chưa hoàn toàn lui tắt trong lòng tôi” nghĩa là vẫn âm ỉ cháy, vẫn nồng nàn, vẫn thiết tha. Không tầm thường, cũng không ích kỷ. Cao thượng, vị tha mà không thấp hèn. Sang trọng và có văn hóa, yêu nồng nàn tha thiết nhưng không bao giờ muốn đem đến sự bận lòng, nỗi u buồn cho người yêu:
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”
“Bể còn có lúc vơi lúc đầy” - đã có người nói như vậy. Tình yêu cũng chứa đầy nghịch lý: gần đấy mà xa vời, xa vời mà gần đấy. Có lúc lúng túng, rụt rè khó nói nên lời. Cũng có lúc ghen tuông, giận hờn. Bên bờ của hạnh phúc đâu dễ chiếc thuyền tình nào cũng cập bến xuôi mái êm chèo? Bởi vậy mới có tâm trạng:
“Tôi yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Dòng thơ thứ bẩy nói lên cung bực của tình yêu: chân thành và đằm thắm. Chân thành trong tình yêu là sự hướng tới bạn đời trăm năm. Không vụ lợi. Không dối lừa. Có chân thành thì mới có đằm thắm. Câu thứ tám dịch nghĩa: “Cầu trời cho em được một người khác yêu”, đó chỉ là một cách nói “làm duyên” mà thôi. Chỉ có tôi là yêu em đằm thắm chân thành. Tình yêu ấy là niềm tự hào của tôi, một tình yêu xứng đáng. Chẳng có người con trai nào có thể mang đến cho em một tình yêu như tôi đã yêu em. Tế nhị, khiêm nhường mà tự hào, kiêu hãnh:
“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.”
Bài thơ, “Tôi yêu em” là sự thổ lộ tâm tình của người con trai khi đối diện người yêu. Phẩm chất tình yêu cho thấy một nhân cách sang trọng. Rất đa tình mà cũng rất đàng hoàng, tự tin.
Nguồn: Chuẩn kiến thức Văn 11
0 nhận xét:
Đăng nhận xét